Vietnam Adventure Tours - Cẩm nang du lịch Hà Giang mách bạn những kinh nghiệm du lịch Hà Giang mùa đông để bạn có một chuyến đi vui vẻ và an toàn. Nếu yêu thích phong cảnh núi non, chắc chắn bạn nên đến Hà Giang ít nhất một lần.
Ở vùng đất cực bắc này, đường sá hầu hết là đường đèo, cứ nối nhau quanh co uốn lượn. Cái cảm giác bò loanh quanh một quả núi rất thú vị, bạn cứ thấy mình trèo lên từng tầng một của con đường, thoắt một cái thì đoạn đường vừa qua đã nằm ở tầng dưới.
Quản Bạ
Tôi đi Quản Bạ trên một chuyến xe bão táp. Xe 24 chỗ nhét gần 70 người. Ngồi ngược, chân co, lưng tựa bao gạo. Các anh Mèo say rượu thì đeo bám ở cửa xe, quang cảnh rất náo nhiệt. Bác tài bảo: nếu đi đừng đi trúng cuối tuần (học sinh về nhà nhiều), thì một mình có thể ngồi 2-3 ghế vẫn không tính thêm tiền. Các nhà xe ở Hà Giang rất dễ thương và nhiệt tình.
Núi đôi Quản Bạ đẹp mê hoặc từ góc nhìn xa
Huyện Quản Bạ là một trong những huyện tươm tất nhất Hà Giang. Thị trấn Tam Sơn phố xá ngăn nắp và hiền hòa. Nhà nghỉ Tam Sơn ở đây rất xinh xắn, nằm bên thung lũng, phòng sạch sẽ giá 100.000đồng/đêm.
Tôi ở Quản Bạ một đêm, buổi tối đi bộ lòng vòng ăn bánh trôi. Sáng hôm sau thuê xe ôm (60.000đồng nguyên chuyến) ra khu vực Cổng Trời, Núi Đôi (cách nhà nghỉ chừng mươi cây số), vào xã Quyết Tiến đi chợ phiên, sẵn đi tìm mấy cánh đồng hoa tam giác mạch mà không thấy đâu. Nếu bạn có ý định đi chợ phiên Đồng Văn (ngày chủ nhật) thì không cần phải đợi chợ phiên Quyết Tiến. Tôi có cái duyên gặp chợ, đi đâu cũng đúng ngày họp chợ, có dịp so sánh chợ này với chợ kia cũng hay.
Đồng Văn
Trưa hôm sau tôi đón chuyến xe đi Đồng Văn (cứ ngồi tại nhà nghỉ mà chờ xe). Xe vẫn đông, vẫn nhồi nhét. Nhưng đi xe đò nhiều cái vui: có thể nói chuyện rôm rả với tài xế, vợ tài xế, phụ xe, cả hành khách đi xe. Người Hà Giang thân thiện và nhiệt tình hiếm thấy. Vợ chồng chị chủ xe còn mời về nhà ăn cơm, cả cô hành khách đi cùng xe cũng mời về nhà ăn cơm.
Tôi ở Đồng Văn những 4 ngày. Nhà nghỉ Hoàng Ngọc được cánh tài xế mách cho là tốt nhất, nên cư ngụ tại đây. Nhà nghỉ này nằm ngay gần phố cổ (phố chỉ bé tí thôi) 120.000đồng/phòng, có nước nóng.
Ngay huyện Đồng Văn thì buồn, phố xá đìu hiu. Nhưng xung quanh Đồng Văn có nhiều chỗ để đi. Tôi đã ở lại đây hơi lâu, quen mặt bà con, gần thành công dân ở đây.
Nhịp sống giải dị của bà con đồng bào ở Hà Giang- Phu Quoc Bungalow
Sáng ra đứng trước cửa khách sạn có người chạy xe ngang qua í ới: “Này, chưa đi chợ à?”. Trưa lang thang ngoài phố có chú chủ quán cơm gọi lại bảo: “Tối nay đến nhà chú ăn sinh nhật cái Cún nhá”. Hết 2 buổi tối ăn cơm ở nhà chị chủ xe, đến nhà thì cả đại gia đình đã ngồi chờ sẵn. Đi ngoài phố gặp ai cũng hỏi “Khi nào về đấy?”, “Chưa về à?”. Xứ sở gì mà thích thế không biết!
Đồng Văn lạnh hơn so với những nơi khác, lúc tôi đi, ban đêm xuống khoảng 6-7oC, nhưng xin khách sạn 2 cái chăn là ổn.
Ngày Chủ nhật, tôi đi chợ phiên. Sáng sớm nhìn từ ban công xuống đã thấy các anh Mèo gánh heo, dắt bò lũ lượt ra chợ. Chợ Đồng Văn họp khu chợ cổ, rất tấp nập.
Lũng Cú
Sáng, tôi ra chợ dạo một vòng rồi tìm xe ôm vào Lũng Cú. Bác xe ôm cho giá cuối cùng: 60.000đồng tống 3/1 chiều. Nhưng cuối cùng thì không đi xe ôm, chị chủ xe đò mà tôi đi hôm trước đem xe máy đến. Đi buổi sáng nắng ấm, đường đèo thì vòng vèo đẹp mắt. Cảnh đẹp là ở đường đi. Đi loanh quanh, đường về ghé nhà vua Mèo.
Chinh phục cột cờ Lũng Cú cũng là điểm đến không thể bỏ qua
Phó Bảng
Phó Bảng là một thị trấn biên giới, ngay sát Trung Quốc. Từ Đồng Văn vào Phó Bảng khoảng 20km. Bạn có thể thuê xe ôm vào, chơi loanh quanh rồi chiều thuê xe ôm ra. Nhưng tôi đi xe khách, giá 10.000 đồng. Dặn trước với khách sạn, sáng khoảng 6g sáng xe khách ghé đến đón, khoảng 7g là đến ngã 3 Phó Bảng.
Từ đây vào Phó Bảng còn 5km nữa, có thể đi xe ôm vào. Nhưng tội chọn phương án đi bộ. Đi bộ thích vô cùng, bạn gần với con đường, gần với thiên nhiên xung quanh hơn là xe máy. Đi bộ chậm hơn, thong dong hơn, ngắm những rặng núi và đường đèo bên dưới đẹp tuyệt vời. Không khí lại trong lành, mát lạnh rười rượi.
Những phiên chợ bán mua nhộn nhịp của đồng bào nơi đây
Trên đường có nhiều người dân tộc cũng đi bộ như tôi. Trước khi đến làng thì nhìn thấy một căn nhà nhỏ giương bảng “Cà phê Trung Nguyên”. Thế là tấp vào uống cà phê, tranh thủ sạc pin máy ảnh. Trong nhà có vài chiếc bàn con, tôi ngồi uống cà phê như khách của gia đình ấy.
Từ quán cà phê đi vài chục mét nữa là đến nơi. Hôm đó cũng đúng ngay ngày họp chợ Phó Bảng (chợ lùi – một tuần họp một lần, cứ đến tuần tới thì lại lùi 1 ngày). Ít người, ít tấp nập hơn Đồng Văn, nhưng cũng đầy đủ quần áo, khăn, giày, heo bò, thắng cố. Quần áo và giày chắc chủ yếu là hàng Trung Quốc. Mấy cái khăn mà các cô gái Mèo hay quàng chắc cũng Trung Quốc, nhưng nói chung là xinh.
Từ chợ lại đi lang thang vào làng. Ngôi làng tôi thăm ở Phó Bảng rất đẹp, nhà cửa mang nhiều nét của người Hoa. Thật tình, tôi không ngờ là một ngôi làng miền núi giáp biên giới lại có thể đẹp, tươm tất và khang trang như vậy. Ở miền Nam, ở những vùng xa và nghèo, tuy vẫn là đồng bằng, giao thông vẫn thuận lợi dễ dàng, nhưng nhà cửa thì sơ sài tạm bợ lắm, nhà lá rất nhiều, không thể nào khang trang như ngôi làng này. Có thể ở đây là vùng lạnh, người ta không thể nào ở nhà lá được?